Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Món ngon từ nước mắm của đầu bếp trứ danh sao Quốc tế

Trong ngày hội ẩm thực Food Fest, đầu bếp Jack Lee - người từng nấu ăn cho các siêu sao Hollywood - đã mang đến thực đơn 5 sao với gia vị chính là nước mắm.



Nước mắm Chinsu - Tuyệt phẩm gia vị Việt hân hạnh là nhà tài trợ gia vị chính cho Food Fest - Lễ hội Ẩm thực và Giải trí Quốc tế tại TP.HCM từ ngày 8 đến 10/12. Sự kiện mang đến hành trình ẩm thực với hơn 1.000 món ăn cùng nhiều hoạt động thú vị, đặc biệt là màn trình diễn ẩm thực ấn tượng với bộ gia vị Chin-su hảo hạng của chef Tuấn Hải và chef Jack Lee.

Món ngon từ nước mắm của đầu bếp từng nấu cho sao Hollywood

 Ngày 9/10, trong ngày hội ẩm thực Food Fest, đầu bếp Jack Lee - người từng nấu ăn cho các siêu sao Hollywood - đã mang đến thực đơn 5 sao với gia vị chính là nước mắm.

Jack Lee là giám khảo của nhiều cuộc thi ẩm thực tại Việt Nam và nổi bật nhất là Vua đầu bếp nhí 2016. Tại Food Fest 2017, anh đã trực tiếp trình diễn nghệ thuật chế biến trước gần 200 thực khách.







Tôm hùm ravioli sốt quả gấc được vị đầu bếp gốc Việt chọn lọc làm món khai vị cho bữa ăn. Thịt tôm xay nhỏ trộn với hành tây, hành tím, phô mai rồi cuộn trong lớp vỏ hoành thánh, cột chặt bằng hành lá. Cuốn tôm được cách điệu phần vỏ hoành thánh thừa bên trên để tạo thành bông hoa đẹp mắt. Phần nhân bên trong đã được xào chín với nước mắm vì vậy các cuốn chỉ cần áp chảo sơ cho lớp vỏ giòn tan. Món ăn dùng kèm với sốt trái gấc với bí quyết tạo vị ngon là tương ớt, nước mắm.

Salad ức vịt với điểm nhấn độc đáo là nước sốt từ atisô . Jack Lee cho biết, hoa atisô có đặc tính chua nên để trung hòa, anh dùng nước mắm để nêm nếm, tạo vị thanh nhẹ khi ăn mà vẫn giữ được nét đậm đà theo đúng khẩu vị đặc trưng của người Việt Nam.


Bít tết thăn lưng bò Mỹ sốt tiêu xanh không chỉ khiến khán giả ấn tượng ở hương vị mà còn tạo sự thích thú khi thưởng thức màn trình diễn “công nghệ cao”. Bò được ướp sẵn với dầu ô liu và nước mắm Chin-su cho thấm vị rồi đem áp chảo. Bí quyết để miếng thịt vừa chín tới, mềm ngọt của Jack Lee là mỗi mặt bạn áp chảo trong 1 phút rồi lật lại, liên tục trong 3-4 phút.


Sau khi áp chảo đều, thịt bò được mang ra đĩa và “cho nghỉ ngơi” khoảng 5 phút. Công đoạn này giúp phần giữa của thớ thịt chín đều, có màu hồng nhạt bắt mắt. Sau khi được nghỉ, thịt tiếp tục được rắc thêm 1 lớp hỗn hợp bột gia vị với cà phê, ngũ vị hương, hồi, tiêu, nước mắm Chin-su, đường... Ngay tiếp theo đó, thị bò sẽ tiến vào quá trình xông khói khoảng 40 giây để mỗi thớ thịt sẽ được ướp đầy hương lá trà.

Để có thành phẩm hoàn hảo nhất, bạn đừng quên món nước sốt tiêu xanh được nhấn nhá với các gia vị từ Chin-su.


Anh khép lại màn trình diễn của mình với món tráng miệng ngọt ngào - bánh nhung đỏ. Được làm từ chocolate nguyên chất, phần nhân bánh có độ ngọt vừa phải, nở xốp và vẫn mềm mại trên gai lưỡi khi thưởng thức. Lớp vỏ sử dụng phô mai và kem hoà quyện vào nhau, tan chảy ngay khi cho vào miệng. Đầu bếp còn khéo léo đặt lên phía trên mứt dâu với vị chua nhẹ để giúp các thực khách ít hảo ngọt có thể cân bằng vị giác.


cách đây không lâu, anh đã đích thân hướng dẫn và giám sát 12 thí sinh tham gia vòng bán kết cuộc thi “Cooking challenge” - gần giống mô hình Master Chef. 12 thí sinh được chia làm 6 đội với đề bài là nấu món Tôm cuộn ba chỉ sốt me.


Để món tôm được ngon, Jack Lee đã hướng dẫn các bí quyết của riêng anh như: lột tôm rồi ướp sơ với muối, tiêu… Đặc biệt bạn nên cho thêm một ít dầu ô liu để thịt cá ẩm, các gia vị này thấm đều vào từng thớ cá. Tiếp theo, dùng các miếng thịt ba chỉ lát mỏng để cuốn khoảng 2 vòng xung quanh tôm. Cuốn chặt tay và vừa đủ để tôm không quá khô trong quá trình chế biến. Đem tôm đã cuốn áp chảo với một chút dầu.








Trong khi chờ tôm chín, Jack Lee tiến hành quá trình chế biến nước sốt - yếu tố quyết định một nửa thành công của món ăn. Nước sốt được nấu từ tỏi xay, sả, ớt, hành tím xào thơm rồi cho thêm một chút nước, me, đường. Cuối cùng, nêm vào nước mắm, tương ớt Chin-su để món nước sốt tròn vị, thơm ngon hơn. Bạn có thể nếm thử để gia giảm những loại gia vị cho vừa miệng hơn.

Tôm sau khi áp chảo sẽ được cắt làm từng khúc nhỏ. Phần đầu tôm vốn to hơn nên cần được xử lý tiếp cho chín kỹ. Món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng lại có rất nhiều thử thách như cách sáng tạo trong khâu sơ chế, ướp tôm; chế biến nước sốt hay nấu đầu tôm sao cho chín kỹ mà thân không bị khô. Ban tổ chức cũng cung cấp kho gia vị đa dạng từ Chin-su với đủ loại nước mắm, xì dầu, tương cà, tương ớt… để mỗi thí sinh tự do sáng tạo trong thực đơn của mình.

Sau 30 phút thử thách, đội số 1 gồm thí sinh Thanh Thảo, Văn Thao đã gây được ấn tượng đặc biệt với giám khảo. Anh đánh giá món ăn chế biến khá thành công nhờ nước sốt với mắm Chin-su vị đậm đà, vừa miệng. Cuộn tôm vừa đủ, tôm vẫn mềm mại mịn màng sau khi áp chảo, những món ăn kèm đều đủ lửa, không quá tay. 2 thí sinh này đã giành được tấm vé vào vòng chung kết dễn ra ngày 10/12.

2 vị trí cuối cùng cho vòng chung kết thuộc về đội số 6 của thí sinh Đình Mạnh, Thu Trâm. Tuy là các thí sinh nhỏ tuổi nhưng cả 2 đều thể hiện được kỹ năng tốt và sự thành thạo, khiếu thẩm mỹ khi vào bếp. Bài thi của đội số 6 nhận được cơn mưa lời khen từ giám khảo Jack Lee nhờ phần trình bày đẹp mắt, sáng tạo. Đặc biệt, đội còn chế biến nước sốt và lược bỏ phần bã theo đúng phương pháp của vị giám khảo đã tư vấn. Nước sốt được thêm một ít tương ớt, tương cà Chin-su để tăng thêm vị độc đáo khi thưởng thức.




những hoạt động kể trên nằm trong chuỗi trải nghiệm thú vị mà thương hiệu Chin-su đem đến cho du khách tham gia Food Fest 2017. Độc giả có thể đến với khu đô thị Sala (quận 2, TP.HCM) để thưởng thức nét độc đáo của ẩm thực toàn thế giới. Gian hàng Food Studio của thương hiệu Chin-su hoạt động liên tục trong 3 ngày 8-10/12 với nhiều trải nghiệm thú vị khác như: nếm thử những món ngon ăn kèm nước tương, nước mắm; chụp hình check-in trong trang phục đầu bếp để nhận quà tặng đặc biệt từ nhãn hiệu; mua sắm những sản phẩm Chin-su với giá ưu đãi…

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Thực hư thông tin từ dân bán cá thu tiết lộ

Xuất phát từ câu chuyện lừa đảo ngoài chợ cá

Có thể thấy, lâu nay, hầu hết các gia đình đều "sính" món cá thu bởi món cá này: sốt, kho, ram mặn,... ăn với cơm đều rất hợp và cũng rất thơm ngon, nhiều chất. Đi biển, mọi người thường tìm mua cá thu đem về ăn hay làm quà biếu. Có người mua vài cân để tích trữ, cho ngăn đá trong tủ lạnh dùng dần. Nhưng thực tế, cá thu chất lượng không thể đủ đáp ứng nhu cầu lớn như vậy.

Mới đây trên mạng xã hội, chủ một tài khoản đã bóc mẽ câu chuyện bán cá thu tươi không có tâm của người bán hàng.



Cá thu kho là món ăn ưa thích của nhiều người

Trong câu chuyện đó, anh này kể: “Đợt rồi gia đình vợ chồng anh bạn vào chơi, cho đến sáng sớm ngày về, thì họ có nhờ tôi dẫn ra biển mua ít hải sản tươi đem về làm quà. Chuyện không có gì to tát nếu họ không mua cá thu. Bởi hôm đó nhà chị mua 2 con cỡ 10 kg, với giá 180.000 đồng/kg. Thực sự là, tôi định can gián anh chị đừng mua. Nhưng tôi không thể làm được, bởi lẽ tôi cũng là người bán hải sản và quanh năm ngày tháng làm ăn ở đây, không thể nào mà “bóc phốt” người bản địa ngay trên mảnh đất của họ được.

Thực ra cá thu anh bạn tôi mua hôm ấy là cá xe (cá xe: tiếng lóng chỉ cá nơi khác về và được bảo quản kho đông lạnh lâu ngày, cá không còn được tươi nữa). Còn cá biển đánh về hôm đó bán tại bãi là 230.000 đồng/kg (bán cho dân buôn), chứ thực tình nếu mua lẻ cá ấy không dưới 250.000 đồng/kg.

Có đôi khi cá xuống thấp hơn vài giá nhưng không thường xuyên, và không rẻ đến nỗi khi qua lái buôn rồi mà bán ra thị trường với giá 170.000-180.000 đồng/kg.”

Thực hư các mánh khóe

Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã liên lạc trực tiếp với anh H. là một người chuyên buôn hải sản với thâm niên 5-6 năm nay.

Vừa đóng hàng cho khách, anh H. vừa kể: “Ở chợ bãi biển, để qua mắt người mua thì họ sẽ thủ 1 ít tiết lợn bơm vào mang cá. Chỉ bơm một ít thôi, bơm nhiều nhìn sẽ rất gớm, vì máu cá không có nhiều.”



Ảnh minh họa: Cá tươi (đây không phải cá thu) mà cắt ra máu không chảy te te như cá đông lạnh đã được tiêm tiết lợn vào mang

“Đúng là khi câu tươi lên thì có máu cá, nhưng khi đã để ướp lạnh qua đá nửa ngày thì máu sẽ đông lại và thẩm thấu vào thịt, nên nó sẽ không chảy ra ngoài nhiều. Còn để lòe người mua thì người ta sẽ bơm vào mang để giữ màu đỏ lâu, lúc cắt, mổ hay dốc ngược thì máu sẽ chảy ra.”, anh H. cho biết thêm.

Nhưng theo anh H., cá cấp đông vẫn có thể có máu nhưng cá phải được cấp đông bằng máy 2 cấp và bảo quản đúng quy trình thì khi rã đông cắt ra máu vẫn tươi roi rói. Tuy nhiên, việc đánh bắt bằng tàu gỗ thì không thể có quy trình này mà vẫn phải làm đông thủ công.

Nhấp một ngụm trà anh H. nói tiếp: “Ngoài mánh khóe đó, với loại cá tươi đã nướng miếng rồi, có một loại gọi là “cá cam” chỉ rẻ bằng một nửa cá thu. Nhưng bằng kĩ thuật cắt khúc của riêng họ, họ cắt xéo lát giống y hệt cá thu.”

“Mình đã có 5-6 năm kinh nghiệm bán mặt hàng này, nên những thủ thuật này là do mình bị lừa rồi, tự học tự biết, tự rút kinh nghiệm.”, anh H. cười.

Cách nhận biết cá thu

Theo kinh nghiệm của anh H.: “Về thớ, cá thu trắng (cá thu phấn, cá thu chồi) và cá thu đen (cá thu ngừ) giống y như nhau, nhưng chất thịt khác nhau, cá thu đen ăn độc hơn cá thu trắng. Đặc biệt với người già, trẻ em, bà bầu hoặc ai sức khỏe cơ địa yếu sẽ bị đau đầu, chóng mặt, đau bụng hoặc bị dị ứng ngứa, đi ngoài.”



Không phải là cá vừa câu lên, nhưng cá đó vẫn xếp vào hàng cá tươi. Vì cá này để chưa lâu và chưa qua kho đông, mới chỉ câu lên khoảng 5 ngày thôi. Cá tươi sẽ giữ màu đen, vây và đuôi nhìn sẽ lành lặn.

“Cá tươi thì da có màu xanh - đen. Mang cá còn đỏ thắm chưa chuyển màu thâm, đuôi và các vây vẫn đen và lành lặn, không bị đổi màu và mục nát. Đặc biệt cá thu đại dương mà tươi mới thì nó còn 2 khoang trắng bạc ở 2 bên vây đuôi.”, anh H. cho biết thêm.

Những kiến thức này không phải ai cũng biết nên lừa khách rất đơn giản. Ngay cả dân ở đây mà không phải dân biển cũng có thể nhầm lẫn. Nên để mua được hàng chuẩn, chủ yếu vẫn là do lương tâm và uy tín của người bán. Họ tử tế, đàng hoàng thì có hàng thật, không thì vẫn mua phải hàng giả bình thường.

Xuất xứ nguồn hàng

Để mà truy nguồn gốc thì ngay cả người bán như anh H. cũng không biết. Nhưng theo anh, khi hỏi bất kì một kho đông lạnh ở các cảng cá Việt Nam thì đều nhận được câu trả lời là hàng miền Nam.

Tuy nhiên, anh H. cho rằng: “Thật ra mà nói, nguồn tươi sống còn không đủ cung cấp trong Nam. Vì độ ăn nhậu giảm dần từ Nam ra Bắc, miền Bắc ăn nhậu 3 thì miền Trung ăn nhậu 6 còn miền Nam họ ăn 9, nên chỉ để bán trong đó là hết.”



Nướng cá

Ngoài ra, chủ tàu khi đi tàu có đồ gì tươi ngon mà bắt được là họ ăn ngay trên tàu. Đồ tươi ngon về cảng, người dân biết thì họ sẽ chung nhau tiền để mua luôn, giống như việc chung lợn sạch.

Số lượng nhiều nữa, nhà thuyền sẽ có mối trung thành, từ to đến nhỏ là họ mua hết nên để sản phẩm sạch, tươi ngon thực sự ra ngoài cho người dân bình dân dùng thì hơi khó.

Nhiều năm trong nghề, anh H. có một thông tin khá hay là, ở ngoài khơi, có một chợ nổi, đây là nơi giao thương của rất nhiều ngư dân của cả Việt Nam, ở một số tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình,...

Tại đó, những người đi đánh bắt xa bờ sẽ trao đổi nhu yếu phẩm, dụng cụ ngư nghiệp, xăng dầu,... Ngoài ra họ còn trao đổi cả hàng hóa, ví dụ như trong Quảng Nam, họ đánh được nhiều cá thu, nhưng người ta lại thích mực nên họ sẽ trao đổi nhau để cân bằng cung - cầu 2 bên.

Ngoài những ngư dân của Việt Nam ra, những tàu to đi xa họ lại giao thương với cả ngư dân Phillipines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,... nên để xác định nguồn gốc là rất khó.

Giá cá thu hiện nay



Đuôi cá đã mục giá sẽ rẻ

Theo anh H, đuôi cá mục, tức là đã để rất lâu, qua nhiều mối rồi nó mới mục như thế, loại đó có giá tại kho đông hiện tại thời điểm này là 150.000 đồng/kg loại nhỏ, loại to 160.000 đồng/kg.

Như vậy tính ra giá trước khi về kho giá cá còn rẻ hơn nữa, hiện với giá dầu, giá thuê nhân công, lãi suất ngân hàng,... đánh cá về mà bán 50.000-100.000 đồng/kg thì không đủ vốn.

Cá qua thương lái, rồi vào kho, xong lại qua người bán lẻ mới đến người tiêu dùng cũng chỉ thể lên đến 150.000 đồng/kg, với giá đó mà bảo là cá vừa mua tại tàu thì không bao giờ có.

Theo anh H.: “Nếu tàu cá có loại cá đó tươi đó, dân buôn sẽ mua ngay tại tàu với số lượng lớn. Như sáng sớm nay, giá mua 23 con là 230.000 đồng/kg, to nhỏ không cần biết.”

“Mình về bán lại cho khách con to 5-7 kg nhỉnh hơn một chút, còn lại loại 3,5 kg trở lên rơi vào 250.000 đồng/kg. Mình ăn chênh 2 giá và đa phần là đổ buôn lại”, anh H. nói.

Nhưng để mua buôn được thì anh H. đã phải tranh giành rất nhiều và phải có sự tin cậy. Khi hàng ra nhiều, anh H. phải mua nhiều cho họ. Ngay cả 2 giờ sáng họ gọi điện bảo “có 30 con hàng tiêu chuẩn thì cũng phải ôm tiền ra lấy cả”.

Tuy không phải tất cả nhưng theo kinh nghiệm của anh H, hơn 90% cá thu ra Hà Nội toàn hàng nhập khẩu, hàng kho đông. Hàng tươi sống may ra chỉ có ở các nhà hàng cao cấp.

Nhiều món ăn ngon nhất từ cá thu

Dưới đây là những món ăn ngon với cá thu

1. Cá thu rán sốt chanh. 

Nguyên liệu: cá thu, bột rán giòn, thì là, chanh, gà, xà lách, hạt nêm, bơ, dầu ăn.
Thì là rửa sạch, thái khúc. 1/2 quả chanh vắt lấy nước cốt, phần còn lại thái mùi cao để trang trí. Cho bột rán giòn vào thố, đập trứng gà vào, đánh đều, cho hạt nêm, 25g thì là vào. Nhúng lát cá thu vào bột rồi thả vào chảo dầu nóng rán vàng hai mặt. Làm sốt: Cho bơ vào chảo nóng đun chảy, cho lượng thì là còn lại vào, tắt lửa, kế tiếp cho nước cốt chanh vào. Khi dùng rưới sốt lên. Dùng kèm với xà lách. Ảnh: Bếp Gia Đình.



2. Cá thu hấp hoa hẹ. 
Nguyên liệu: cá thu, hẹ, tai nấm đông cô, dầu hào, gừng, ớt thái sợi, hành, ngò, tiêu, nước tương, hạt nêm thịt heo. Cá rửa sạch, ướp với dầu ăn, tiêu, 1 chút hạt nêm thịt heo, để 30 phút. Cho cá vào đĩa hấp cách thủy. Sốt: Phi thơm tỏi, cho nấm đông cô vào xào. Thêm 1 chén nước dùng, nước tương, tiêu đun sôi tắt lửa, cho bông hẹ vào. Cá hấp gần chín, đổ nước sốt lên, hấp thêm 5 phút. Ảnh: Món ngon.



3. Cá thu nấu ớt. 
Nguyên liệu: cá thu viên nhỏ, hạt thông, ớt xanh, đảo thái hạt lựu, mì sợi, lòng trắng trứng gà, muối, bột mì, dầu ăn, muối, bột ngọt, rượu vang, nước luộc gà, bột bắp, dầu hành. Lăn cá viên vào tô bột áo rồi cho vào tủ lạnh, để khoảng nửa giờ, cho mì vào nước sôi chần sơ, vớt ra để ráo nước, cho vào khuôn rồi để vào chảo dầu nóng. Ảnh: ma24h.com.vn.



Cho cá thu viên vào chảo dầu chiên sơ, vớt ra cho tiếp, ớt xanh, ớt đỏ thái hạt lựu vào chảo dầu đảo qua một lượt. Chiết dầu dư trong chảo ra, cho nước luộc gà, rượu vang, muối, bột ngọt, viên cá thu chiên ớt thái hạt lựu vào, nấu một lát rồi làm sệt lại bằng nước bột bắp, cho hạt thông chín vào, rưới dầu mè và bắc chảo xuống, múc ra cho vào đĩa tổ chim. Ảnh: giadinh.net.vn.



4. Cá thu sốt chanh dây.
Nguyên liệu: cá thu, chanh dây, nước mắm, đường, rau mùi, tỏi xay, bột điều, hạt nêm, dầu ăn. Cá thu rửa sạch, thái miếng vuông, ướp với hạt nêm, cho cá vào chảo dầu nóng, rán vàng. Chanh dây múc ruột vào bát, trộn với bột điều, đường. Phi thơm tỏi, ớt với dầu ăn, cho hỗn hợp chanh dây vào đảo. Sau đó cho tiếp cá vào đảo nhanh tay, nêm nước mắm vừa ăn rồi tắt lửa. Ảnh: Bếp Gia Đình.

Các món ngon từ cá thu bạn có thể tự tay làm

1. Cá thu kho rau răm.

Nguyên liệu: cá thu chay, ớt sừng, súp nước tương, hạt nêm chay, dầu ăn, đường, boa-rô, rau răm. Hòa tan nước tương với hạt nêm, đường và tiêu. Rau răm nhặt sạch. Phi thơm boa-rô đã bào mỏng rồi cho vào hỗn hợp nước tương, nấu sôi. Cho cá vào đun đến khi cạn, tắt lửa. Sau cùng cho rau răm vào. Dùng nóng.


2. Chả cá thu nướng mắm.

Nguyên liệu: cá thu, mỡ, sả, chanh, xà lách, mắm tôm, ớt băm, đường, bột nêm. Luộc chín mỡ, thái hạt lựu trộn với đường, phơi nắng. Lọc bỏ xương và da cá thu, cho vào cối quết thật nhuyễn. Cho 1 thìa cà phê mắm tôm, mỡ, chút bột nêm vào cá, trộn đều. Quấn cá đã quết vào đầu cây sả, nướng chín. Pha thêm nước mắm.



3. Mắm cá thu kho thịt.

Nguyên liệu: khứa mắm cá thu, thịt xay, nấm đông cô, bát nước dùng, nhánh gừng nhỏ, ớt, hành lá, hành xay, tỏi xay, đường, tiêu, dầu ăn. Nấm đông cô ngâm nước ấm cho nở mềm, rửa sạch, cắt đôi. Gừng, ớt, hành thái sợi. Đun nóng 1 thìa súp dầu, phi thơm hành, tỏi, cho thịt vào xào săn, đổ nước dùng vào đun sôi. Sau đó cho mắm cá vào đun sôi. Nêm đường, tiêu, nấm vào, nấu khoảng 15 phút, tắt lửa.



4. Cá thu kho sốt Thanh trà.

Nguyên liệu: cá thu thái lát, quả thanh trà (ảnh), hành tím, tỏi, hạt nêm, nước mắm, đường, bột nghệ, muối, tiêu, dầu ăn. Cá thu xát muối, rửa sạch, để ráo. Ướp cá với bột nghệ, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê nước mắm, để thấm gia vị khoảng 5 phút. Thanh trà gọt vỏ, lấy phần thịt xay nhuyễn với 30ml nước và 5 thìa cà phê đường. Hành tím và tỏi bóc vỏ, rửa sạch, để ráo, băm nhuyễn. Cho 1 ít vào cá ướp cho thơm.



Đun nóng khoảng 2/3 bát dầu ăn. Cho cá vào rán sơ. Cho 1 thìa súp dầu ăn vào nồi, đun nóng, phi thơm hành tỏi băm. Sau đó, cho tiếp cá và 50ml nước nóng vào, nêm 1,5 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê nước mắm. Kho cá khoảng 5 phút với lửa nhỏ. Cho nước thanh trà vào nấu riêu riêu đến khi nước sệt lại, rắc tiêu.

Các món ăn ngon chế biến từ cá thu

Cá thu rim tiêu gừng

Nguyên liệu:

- Cá thu phấn: 0.5 kg

- Nước mắm ngon: 3 thìa ăn phở

- Đường hoa mai: 2 thìa cà phê

- Tiêu hột: 2 thài cà phê

- Gừng tươi: 1 củ nhỏ



Cách làm:

Cá thu sơ chế sạch, các bạn đem cắt khúc để khi rim cá dễ ngấm gia vị hơn nhé.

Cho cá vào chảo rán xém vàng các mặt. Công đoạn này có tác dụng giúp cho miếng cá được chắc, nguyên vẹn, khi rim sẽ không bị vỡ nát.

Đun sôi hỗn hợp gồm: nước mắm + đường hoa mai + tiêu hột + gừng thái lát + 1 bát ăn cơm nước, rồi thả những khúc cá vừa rán vào rim.



Ban đầu các bạn đun to lửa cho cá sôi bùng khoảng 5 phút, sau đó hạ xuống rim cá ở mức lửa vừa đến khi cá gần cạn nước thì vặn lửa mức nhỏ nhất đun liu riu đến khi nước cạn hẳn và có độ sền sệt, bám đều vào các miếng cá.

Việc sử dụng nước mắm thay cho bột canh hay hạt nêm trong món ăn này chính là bí kíp để miếng cá trở nên săn và đậm đà hơn đấy các bạn ạ. Tiêu cũng được sử dụng nhưng là tiêu còn nguyên hột nên miếng cá sẽ thấm đượm vị thơm nồng của tiêu mà không hề làm cho cá bị cay.

Giữa tiết trời lành lạnh của miền Bắc, được bưng bát cơm nóng, cắn 1 miếng cá thu rim thơm nức, cảm nhận vị ấm nóng đặc trưng của gừng và tiêu lan tỏa khắp các vị giác, thật không gì tuyệt hơn.

Cá thu sốt me

Nguyên liệu:

- Cá thu tươi: 300g

- Me khô: 1-2 muỗng to

- Đường, tỏi khô, hành khô, hạt tiêu và ớt nếu muốn ăn cay.

- Hành tây: 1/4 củ thái hạt lựu



Chế biến:

Cá cắt lát mỏng vừa phải ướp với bột canh khoảng 30 phút rồi chiên vàng đều hai mặt. Gắp cá ra đĩa để riêng.

Me khô cho vào bát ăn cơm, chế vào trên lưng bát nước sôi ngâm cho me tan. Sau đó lọc lấy nước, bỏ hạt.

Dùng chảo đã rán cá lúc trước gạn bớt dầu ăn ra, cho tỏi khô và hành khô băm nhỏ vào phi thơm vàng, vớt ra để riêng một góc cùng với đĩa cá rán.



Cho thêm vào chảo một muỗng dầu ăn, đổ nước cốt me vào, nêm nước mắm, gia vị và đường đun sôi lên, cho hành tây vào đun cùng, nêm lại gia vị cho vừa miệng rồi cho cá vào sốt.

Đun nhỏ lửa, thỉnh thoảng lật để cá ngấm sốt đều hai mặt, đến khi sốt me bắt đầu sánh lại thì rắc thêm hạt tiêu và ớt băm nhỏ vào.

Nếu không có thời gian, ban có thể mua sốt me đóng chai đã được chế biến sẵn có bán trong siêu thị, chỉ việc nêm lại đường và mắm cho vừa khẩu vị thôi. Tuy nhiên sốt này không đậm đà và không được ngon bằng sốt mình tự chế đâu nhé!

Cho cá ra đĩa rồi rưới sốt me vào, rắc tỏi và hành khô đã phi vàng lên trên ăn nóng với cơm. Các bạn có thể làm tương tự với một số loại cá khác như cá vược, cá cam…hoặc tôm nhé!

Cá thu kho sấu

Ngoài các cách làm thường thấy là sấu ngâm đường, sấu ngâm mắm, vịt om sấu… thì sấu kho với cá cũng để lại một hương vị rất riêng.

Nguyên liệu:

- Cá thu: 2 khúc (hoặc tùy số lượng người ăn mà tăng hoặc giảm)

- Sấu: 15 quả (có thể dùng sấu tươi hoặc sấu đã ngâm mắm, ở đây mình dùng sấu ngâm mắm)

- Muối, mắm, hạt tiêu…

- Gừng, xả, riềng, ớt…



Thực hiện:

Cá thu rửa sạch, nếu mua nguyên con thì các bạn cắt khúc vừa ăn.

Gừng, xả, riềng, ớt…bỏ vỏ, cuống, rửa sạch, đập dập và thái nhỏ.

Ướp các gia vị trên vào cá, thêm chút mắm, muối, đường, dầu ăn, nước hàng... ướp trong khoảng 1-2h đồng hồ cho cá ngấm gia vị.

Cá sau khi ướp đủ thời gian thì bắc lên bếp, đun sôi, sau đó cho sấu vào, đậy vung kho đến khi cá chín nục, quả sấu mềm.



Cá kho chín, cho ra đĩa trình bày, rắc chút hạt tiêu nếu thích.

Món ngon chả cá hồi mẹo hay dễ làm dành cho cả nhà

Cá hồi là thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng. Thông thường cá hồi hay dùng để ăn sống, làm ruốc hoặc áp chảo rồi sốt với các loại gia vị tùy theo sở thích của từng người… Tuy nhiên làm chả cá thì có lẽ chưa hoặc rất ít người làm.

Ngay bản thân chị Hương Ly - đang sinh sống tại Mỹ cũng cho biết đây là lần đầu tiên mình làm chả cá hồi. Chị chia sẻ, bản thân từng thấy có người từng làm món này rồi nhưng họ trộn với thịt heo, nhưng chị lại biến tấu, cho tôm vào, kết quả đem lại là rất ngon và hấp dẫn.

Cùng tham khảo cách làm chả cá hồi nào.



Nguyên liệu:

- 450g cá hồi

- 7- 8 con tôm loại nhỡ bóc vỏ.

- Gia vị: 1 muỗng cà phê hạt tiêu, 1 muỗng cà phê bột tỏi, 1 muông cà phê bột hành; 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng canh dầu ăn; 2 muỗng canh bột năng; 1 muỗng cà phê bột nở; 1 muỗng canh lòng trắng trứng; 1-2 muỗng canh nước mắm.

Cách làm:

Cá hồi và tôm đều cho vào ngăn đá cho hơi đông đá rồi đem ra thái miếng. Dùng khăn giấy thấm khô, sau đó cho vào máy xay cùng với các gia vị phía trên trong khoảng 1 phút thì ngừng rồi lại xay tiếp. Cứ xay như vậy đến khi nhuyễn.

Rồi cho dầu ăn vào túi ziploc cho đỡ dính, bỏ chả cá vào túi rồi nặn thành hình tròn, vuông, tam giác... tùy ý.

Sau đó bỏ tủ mát 1 tiếng, rồi cho ra chiên ngập dầu lửa vừa, hơi nhỏ tùy theo chả dày hay mỏng là được.





Khi chả cá hồi hoàn thiện, cảm quan của món ăn là rất thơm, dai, ngon chẳng kém gì chả cá quê nhà.



Bí quyết để giảm mùi tanh của cá hồi, là thêm gia vị như hạt tiêu, tỏi, hành rồi xay nhuyễn, chiên thơm.

Lưu ý, khi xay cá làm chả, không nên cho nước lạnh vào. Ngoài ra, nên thêm lòng trắng trứng, làm chả có độ kết dính và dai hơn.



Khi chả cá hồi hoàn thiện, cảm quan của món ăn là rất thơm, dai, ngon chẳng kém gì chả cá ngoài tiệm. Chả cá hồi sau khi hoàn thiện có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 4-5 ngày.

Những món ăn ngon chế biến từ cá hồi dễ làm

Canh chua cá hồi . Không tanh nồng như các loại cá biển khác, vị chua nhẹ cùng những thớ thịt thơm ngon của canh chua cá hồi sẽ rất “được lòng” các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, bát canh giải nhiệt mùa hè cũng cung cấp lượng vitamin A, E, selen, kẽm, chất xơ cần thiết cho việc bồi bổ sức khỏe.



Cá hồi kho tộ . Nếu như canh chua cá hồi là lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ trong những ngày nắng nóng thì cá hồi kho tộ lại rất phù hợp trong những ngày mưa bão. Màu vàng ươm của thớ thịt cùng với màu đặc trưng của món kho khiến ít người có thể cưỡng lại trong bữa ăn đầm ấm.



Salad cá hồi. Khi thưởng thức, món ăn mang lại cảm giác thanh mát, giòn tan lạ miệng.



Cá hồi xốt xì dầu gừng . Thịt cá hồi thơm lừng, ngọt, đậm đà hương vị xì dầu và gừng sẽ rất ngon khi ăn cùng cơm nóng ngày mưa gió. Nhiều bà nội trợ thường lựa chọn món này nếu không muốn mất nhiều thời gian chế biến mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho con cái trong nỗ lực ôn thi.



Cá hồi tẩm bột chiên giòn. Những căng thẳng trong thời gian miệt mài ôn thi sẽ được đánh bay khi thưởng thức hương vị thơm ngon và bổ dưỡng từ cá hồi tẩm bột chiên giòn. Khi dùng bữa, người ăn dễ dàng cảm nhận mùi thơm nức kết hợp với vị bùi bùi chua chua của vị nụ bạch hoa; vị béo có được từ bơ và trứng.



Súp cá hồi bí đỏ. Thưởng thức món canh này không chỉ giúp các sĩ tử hấp thụ được những dưỡng chất tuyệt vời từ cá hồi mà còn tận dụng nguồn vitamin có lợi từ bí đỏ. Món ăn không quá cầu kỳ nên các bà mẹ hoàn toàn có thể tự tay nấu để giúp con tẩm bổ trong mùa thi.



Trứng hấp cá hồi. Các bà mẹ khéo tay chỉ cần xếp cá hồi xung quanh bát rồi đổ hỗn hợp trứng, sữa, pho mát, hẹ và hạt nêm đã đánh kỹ vào. Đặt bát quay trong lò vi sóng khoảng 25 phút là có được bữa sáng ngon ngất ngây cho người con đang tập trung cao độ cho kỳ thi sắp tới.









Ruốc cá hồi. Ruốc cá hồi phù hợp cho sĩ tử ăn kèm với bánh mì, cơm vào các buổi sáng. Axit béo omega-3 sẽ giúp trí nhớ trở nên sắc bén hơn bao giờ hết.

Cách chế biến món ăn từ cá hồi cho giới thượng lưu

Có lẽ chẳng cần phải nói nhiều thì ai cũng biết những lợi ích mà cá hồi mang lại cho sức khỏe. Các loại axít béo omega 3 chứa trong cá hồi có khả năng chống lại các dấu hiệu lão hóa, giảm mức cholesterol và huyết áp, kéo giảm nguy cơ đột quỵ…



Nhiều người thích ăn cá hồi sống cùng mù tạt và tương. Chỉ cần chế biến đơn giản thế thôi cũng đã khiến cho người ta phải "điên đảo" về độ ngon của cá hồi. Thế nhưng, với trẻ em hay những người “yếu bụng” thì cá hồi sống không phải là sự lựa chọn thông minh. Nên chỉ cần một chút khéo tay và thời gian là bạn đã có thể vào bếp để chế biến món cá hồi trần chanh tươi hay steak cá hồi ngon đẳng cấp.



Đầu tiên là món cá hồi trần chanh tươi, ngoài nguyên liệu là cá hồi, bạn cần chuẩn bị củ hành tây xắt hạt lựu, lá quế, dấm rượu trắng, chanh tươi cùng muối và tiêu đen xay nát. Cá hồi thái làm nhiều phần bằng nhau rồi đổ nước ngập cá, thêm hành tây, lá quế, dấm, chanh cùng một ít muối và tiêu đen. Đậy nắp lại, đun sôi rồi tắt bếp, sau đó để cá ngâm trong nước cho đến khi nguội. Cá hồi ăn ngon hơn khi dùng chung với nước xốt Hollandaise kèm khoai tây chiên và salad xoong.



Ngoài món trên thì steak cá hồi cũng khá dễ làm và đơn giản. Chỉ cần cắt cá hồi thành 4 miếng to đều nhau ướp với 1 thìa hạt nêm, 1/2 thìa tiêu trắng, dầu ăn rồi ướp khoảng 10 phút cho thấm. Trong thời gian đó thì thái khúc măng tây và ớt chuông. Sau khi cá hồi đã thấm gia vị thì đem nướng trên vỉ đến khi vừa chín vàng, lăn một mặt qua hạt vừng. Đun nóng bơ trong chảo, cho ớt chuông và măng tay vào xào vừa chín. Nhớ nêm thêm muối, dấm, đường, tỏi để tăng thêm hương vị.

4 món ăn ngon bạn có thể chế biến từ cá hồi

1. Súp bí đỏ cá hồi

Nguyên liệu:

- 1 tách nước cốt gà
1 trái bí đỏ nhỏ
300g cá hồi
2 muỗng bơ đã làm mềm
Tiêu, gừng, muối, đường, hành tây.



Cách làm:

- Cắt trái bí làm đôi, cho vào lò nướng đến khi bí chín mềm. Lấy muỗng xúc bí ra cho vào máy xay sinh tố hoặc máy xay thịt xay sơ một lần cho nhuyễn, để ra tô. Trong trường hợp không có lò nướng, có thể xắt bí đỏ ra thành từng miếng nhỏ, luộc chín, sau đó cho vào máy xay sinh tố, nhưng bí sẽ không ngọt và bùi bằng nướng.

- Cho hành tây vào xào với bơ đến khi hành chín thì đổ nước cốt gà vào trộn đều.

- Cá hồi hấp chín. Lưu ý: nên hấp cách thủy để giữ lại được chất dinh dưỡng cũng như mùi vị của cá, sau đó xé cá ra thành từng miếng nhỏ, tơi.

- Trộn hỗn hợp nước cốt gà và cá hồi, cho vào máy xay nhuyễn.

- Bắc nồi lên bếp, cho tất cả trộn chung vào nấu đến khi sôi, nêm nếm vừa ăn. Nhấc xuống, dùng nóng.

2. Cá hồi xốt cam tươi

Nguyên liệu:

Cá hồi 1 miếng
Đậu Hà Lan 100g
Cà rốt 1 củ
Cam tươi 1 quả
Hạt nêm, đường, vừng rang, rượu vang trắng, lá húng, lá thyme khô, dầu ăn



Cách làm:

- Cá hồi cắt thành miếng vuông hoặc chữ nhật dày, cho vào bát ướp với chút rượu, hạt nêm.

- Cà rốt thái miếng cỡ ngón tay út. Cam tươi vắt lấy nước ra 1 cái bát riêng, nếu cam hơi chua thì hòa thêm chút đường.

- Đun nước sôi, cho nhúm muối vào. Chần đậu Hà Lan và cà rốt cho chín tới.

- Đặt chảo lên bếp, đun nóng chút dầu ăn. Cho cá hồi vào chiên chín 2 mặt, rắc 1 ít lá thyme lên trên. Gắp ra đĩa. Cá hồi rất mau chín nên bạn không cần chiên quá lâu.

- Đặt chảo trở lại bếp. Cho tí xíu dầu ăn rồi đổ cà rốt và đậu Hà Lan vào, nêm chút hạt nêm. Tiếp đó đổ nước cam tươi vào, nêm nếm lại muối cho vừa ăn. Không nên cho nhiều đường, sẽ bị lợ, khó ăn. Đảo 1 lúc cho ngấm. Nhẹ nhàng xếp các miếng cá vào chảo xốt, đun lửa vừa cho rút bớt nước, cá ngấm xốt là được.

- Sắp cá ra đĩa, rưới xốt và rắc ít vừng lên trên. Dùng nóng.

3. Cá hồi xiên xốt sa tế

Nguyên liệu

300g phi-lê cá hồi
1/4 quả ớt chuông xanh, 1/4 quả ớt chuông đỏ, 1 củ hành tây , 1 cây cần tây
Gia vị: 2 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa cà phê bột tỏi, 2 thìa cà phê ớt bột, 4 thìa cà phê hạt nêm.
Nước xốt: Hành tây, gừng băm nhuyễn, ớt băm nhuyễn, 2 thìa cà phê bột cà ri, 200g bơ đậu phộng, 400ml nước cốt dừa, 100g đường thốt nốt, 3 thìa hạt nêm, dầu ăn.



Cách làm:

- Cá hồi cắt khối vuông, ướp với 2 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa cà phê bột tỏi, 2 thìa cà phê ớt bột và không thể thiếu 2 thìa cà phê hạt nêm.

- Ớt chuông cắt vuông, 1 củ hành tây cắt vuông, 1 cây cần tây cắt khúc.

- Xiên xen kẽ cá hồi, ớt xanh, ớt đỏ và cần tây. Sau đó đem nướng hoặc áp chảo.

- Bắc chảo, cho dầu vào xào hành tây cho thơm. Cho bột cà ri vào xào nhỏ lửa.

- Cho nước cốt dừa, đường thốt nốt, bơ đậu phộng và 3 thìa cà phê hạt nêm vào nấu riu riu cho sệt lại. Cuối cùng cho gừng và ớt xay nhỏ vào. Tắt bếp.

- Dọn kèm nước xốt với xiên cá hồi nướng.

4. Salad cá hồi xông khói

Nguyên liệu:

-Cá hồi xông khói: 35g
- Xà lách xanh, tím, frizze: một ít
- Bắp cải tím bào: 20g
- Cà chua bi: 4 trái
- Xốt mayonnaise: 50 ml



Cách làm:

- Cắt cá hồi cắt thành 4 lát. Cắt cải xà lách thành miếng xếp vào giữa dĩa, cho bắp cải bào lên trên.

- Cho cá hồi lên trên mặt bắp cải.

- Trang trí lá bắp cải tím và cà bi quanh dĩa. Khi ăn rưới xốt mayonnaise lên.

3 món ăn chế biến từ cá hồi

1. Lẩu đầu cá hồi nấu măng

Nguyên liệu (cho 4 người ăn):

- 2 cái đầu cá hồi (tổng cộng khoảng 1 kg)
- 1/4 trái thơm
- 2 trái cà chua
- 100 gr măng chua
- Một ít hành lá, thì là, hành tím, ớt sừng
- 2 trái me xanh (hoặc một muỗng canh đầy me chín)
- 1 muỗng cà phê bột nghệ
- Muối, nước mắm, hạt nêm, đường



Cách làm:

- Đầu cá hồi làm sạch, chặt làm 4, để ráo.

- Cà chua thái múi; thơm xắt lát; hành lá, thì là cắt khúc (5 cm); măng chua để ráo; me trái cạo vỏ, rửa sạch; hành tím bằm nhỏ.

- Đầu cá hồi ướp với muối, đường, hạt nêm, hành tím, bột nghệ.

- Bắc chảo lên bếp cho nóng, phi hành tím, cho cá vào xào sơ, gắp ra đĩa.

- Xào sơ thơm, cà chua, măng chua.

- Nấu me xanh cho chín, dầm lấy nước (bỏ xác).

- Cho tất cả thơm, cà chua, măng, me vào nồi nước (cho 4 người ăn) nấu sôi. Cho đầu cá hồi vào, nêm nếm vừa ăn.

- Dùng chung với bún tươi. Ăn tới đâu, cho thì là, hành lá vào trụng tới đó.

- Có thể dùng với một ít nước mắm nguyên chất và ớt sừng xắt lát.

2. Cá hồi kho tộ

Nguyên liệu:

- 2 - 3 khoanh nhỏ cá hồi
- Đường, nước mắm, dầu ăn, muối, tiêu
- Hành hương



Cách làm:

- Cá mua về rửa sạch, dùng tay chà vào thân cá khoảng một thìa nhỏ muối, để yên trong vòng 30 phút.

- Đun nóng ba thìa nhỏ đường, với ba thìa súp nước lạnh, đun sôi lửa lớn đến khi đường chuyển màu vàng cánh gián thì tắt bếp. Xếp từng khúc cá vào nồi, thêm vào nồi hai thìa nhỏ nước mắm, hai thìa nhỏ đường, ít hạt tiêu. Thêm hành hương đã thái nhỏ.

- Đặt nồi lại lên bếp, đun sôi, lửa nhỏ, không đậy nắp nồi. Nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.
- Đun đến khi nước kho cá dẻo quánh lại, tắt bếp, múc ra đĩa dùng nóng với cơm.

3. Xà lách cá hồi hun khói

Nguyên liệu:

4 miếng cá hồi hun khói
1 trái dưa leo xắt ra từng khoanh tròn, vừa, dừng mỏng quá sẻ mất giòn
5 củ khoai tây luộc chín, xắt khoang tròn
1 hũ câpes (loại bạch hoa thái) hơi chua nếu không có thì thay bằng chanh
2 trứng gà luộc chín cắt ra làm tư
Tiêu, muối, dấm đỏ, dầu
1 chút lá thì là, 1 trái chanh



Cách làm:

- Cá hồi xắt lát ra hơi to bảng.

- Dưa leo, khoai tây, trộn chung vào , trộn 1 muỗng cafe hột Câpes (Bạch hoa Thái) để vào dĩa, trải lác cá hồi hun khói trên mặt, để trứng gà chung quanh dĩa cho đẹp.

- Lá thì là xắt nhỏ rải lên mặt.

- Chanh xắt ra từng khoanh hơi dầy, để chung quanh dĩa để vắt vào cá hồi.

Làm sốt dầu giấm:

- Tiêu, muối xem vừa ăn, để 1 phần giấm, thì là ba phần dầu
Đánh cho tan muối, tiêu
Khi ăn, để dầu giấm vào.

2 cách làm món ăn ngon từ cá hồi

1. Salad cá hồi - lạ, ngon, đẹp mắt

Nguyên liệu - cho 8 phần ăn:

- 400g cá hồi tươi ngon (bạn có thể dùng cá ngừ nếu thích)
- 1 củ hành khô
- 1 nắm hành lá
- 3 thìa canh (45ml) nước tương (soy sauce)
- 1 thìa cà phê (5ml) dầu vừng
- 15g vừng rang
- 1 thìa cà phê ớt tươi xay tỏi hoặc ít hơn nếu bạn không ăn được cay.



Cách làm:

- Cá thấm khô bằng khăn sạch hoặc giấy ăn, cắt thành các khối vuông nhỏ vừa ăn, cất vào ngăn mát tủ lạnh trong khi bạn chế biến các nguyên liệu khác.

- Hành khô xắt lát mỏng. Hành lá thái nhỏ.

- Trộn đều hành khô, hành lá, ớt xay, vừng rang, dầu vừng và tương đậu nành trong một bát nhỏ - bạn có hỗn hợp A.

- Lấy cá ra, trút vào tô đựng hỗn hợp A hoặc ngược lại, trút hỗn hợp A vào tô đựng cá dùng thìa nhẹ nhàng trộn đều cho cá ngấm gia vị.

- Chia ra thành 8 phần bằng nhau, dùng ngay.



2. Cá hồi cuộn rau nướng

Nguyên liệu:

- 1 khay cá hồi
- Vài cây nấm to
- 1 quả dưa chuột
- 1 quả ớt chuông đỏ, xanh, vàng
- Hạt tiêu đen, muối, dầu ô liu
- 1 chén vừng rang



Cách làm:

- Rửa sạch toàn bộ rau củ quả và cá dưới vòi nước. Sau đó thái nhỏ nấm, rau, củ ra và cho vào bát trộn với hạt tiêu, gia vị, muối ăn để chuẩn bị cuộn.

Lưu ý: Bạn có thể thay thế các loại rau củ theo sở thích và khẩu vị của từng người.

- Cá hồi các ấy trải rộng ra, phết dầu ăn lên cả 2 mặt.

- Sau đó xếp các loại rau củ đã thái nhỏ vào một đầu rồi nhẹ nhàng cuộn lại. Cuộn chặt tay.

- Cuộn xong sẽ được 1 miếng cá cuộn rau trông rất xinh. Tiếp tục làm với những miếng cá còn lại.

- Cuối cùng cuộn xong rùi thì mang đi nướng. Nếu có lò thì cho vào lò nướng. Bật lò ở 200 độ C cho nóng trước, sau đó mới cho cá vào nướng, giảm bớt lửa rồi nướng trong vòng 15 phút.

Nếu không có lò thì vẫn có thể cho cá lên vỉ nướng hoặc khay nướng, nướng như bình thường.

- Khi cá chín thì mang ra đĩa, rắc thêm một ít vừng rang lên. Món này chấm với mù tạt xanh và nước xì dầu ớt tươi!